Đồng yên Nhật lao về mức thấp kỷ lục: Giải pháp nào giúp ngăn chặn?

14:16 22/09/2022

Đồng yên Nhật (JPY) đang trên đà lao dốc mạnh nhất trong nhiều năm qua, không chỉ so với đô la Mỹ (USD) mà còn so với nhiều đồng tiền khác. Đâu là nguyên nhân và liệu khi nào giới chính sách Nhật Bản mới tìm cách ngăn chặn đà sụt giảm này?

Đà lao dốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại

Chỉ trong vòng một tháng qua, JPY đã giảm giá hơn 9% so với USD, theo đó đưa tốc độ mất giá so với đầu năm nay lên mức 25%, đánh dấu năm mất giá mạnh nhất của đồng JPY khi đã vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 là 19,1%. Tỷ giá USD/JPY trong ngày 7/9/2022 đã vượt mốc 144, cao nhất trong 24 năm qua.

dong-yen-nhat-tren-da-lao-doc

Đồng yên Nhật vẫn trên đà lao dốc chưa có dấu hiệu dừng lại. (Ảnh minh họa)

Không chỉ mất giá so với đồng USD, đồng bản tệ của Nhật Bản còn giảm giá so với đồng euro (EUR), dù đồng EUR cũng đang trải qua giai đoạn khó khăn khi đã có lúc rớt về dưới mốc 1 so với USD, trong bối cảnh lạm phát tại các nước châu Âu liên tục lập đỉnh và kinh tế đối mặt với khó khăn vì ảnh hưởng bởi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 7/9 nhận định: "Các biện pháp cần thiết sẽ được thực hiện nếu đồng yên tiếp tục suy yếu". Sau đó ngày 8/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cơ quan Dịch vụ tài chính nước này (FSA) đã nhóm họp khẩn cấp để đánh giá tình hình.

Tiếp đó, ngày 9/9, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Văn phòng Thủ tướng để báo cáo các vấn đề liên quan, trong đó có việc cảnh giác trước khả năng khoảng cách tỷ giá giữa đồng yen và đồng bạc xanh sẽ tiếp tục nới rộng trong thời gian tới.

Nguyên nhân khiến đồng yên lao dốc mạnh là gì?

Trong bối cảnh các động thái đều cho thấy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà đầu tư cá nhân giao dịch trên thị trường ngoại hối Nhật Bản đều nhận thấy sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật Bản.

Mỹ và châu Âu đang đối diện với lạm phát nghiêm trọng do giá cả hàng hóa tăng cao, nên ngân hàng trung ương những nước này đều điều chỉnh tăng lãi suất. Trong khi Nhật Bản, quốc gia chưa phải đối mặt với tình trạng tăng giá nghiêm trọng như vậy, vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ siêu lỏng và ưu tiên phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Về quy luật, dòng tiền sẽ chảy từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao nên làn sóng bán tháo đồng yên để mua USD ngày càng mở rộng. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình lao dốc của đồng yên Nhật Bản.

Giải pháp nào giúp ngăn chặn tình trạng này?

Trước đây, việc đồng yên suy yếu sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và là một điểm cộng cho nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Nhật Bản.

Tuy nhiên, với tình trạng giá nguyên liệu đang tăng chóng mặt trên toàn thế giới, việc đồng yen giảm sẽ đẩy gánh nặng sang các doanh nghiệp nhập khẩu. Trong điều kiện người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu đang chịu tác động tiêu cực, cũng dễ hiểu khi Chính phủ Nhật Bản và BOJ tỏ ra cảnh giác với tình hình hiện nay.

Một trong những giải pháp trước mắt để ngăn chặn đà suy giảm của đồng yên là can thiệp ngoại hối. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Suzuki Shunichi ngày 8/9 khẳng định sẽ có "giải pháp cần thiết", ám chỉ việc sử dụng các biện pháp can thiệp đối với thị trường ngoại hối, đó là chính phủ chủ động mua vào đồng yen và bán ra đồng USD.

Các bước có thể triển khai bao gồm can thiệp bằng phát ngôn (cảnh báo sự biến động về tỷ giá hối đoái), kiểm tra đánh giá tỷ giá hối đoái và cuối cùng là can thiệp trực tiếp.

Một lựa chọn khác là BOJ tăng lãi suất tiền gửi. Không thể phủ nhận rằng đằng sau sự mất giá của đồng yen là sự khác biệt quá lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Do đó, giải pháp khả thi nhất là tăng lãi suất để thu hẹp khoảng cách lãi suất với Mỹ, đánh thẳng vào yếu tố khiến đồng yen mất giá.

Vấn đề là Chính phủ Nhật Bản lựa chọn phương án nào trong số hai giải pháp nêu trên. Các nước phát triển trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thường có quan điểm tiêu cực về can thiệp ngoại hối dẫn đến sự cạnh tranh làm mất giá trị thực tế của đồng tiền bản địa, trừ trường hợp biến động tỷ giá hối đoái quá lớn.

Tuy nhiên, rất khó để Mỹ - quốc gia đang muốn đồng USD mạnh hơn để kiểm chế lạm phát, thấu hiểu giải pháp này. Trước đây, Nhật Bản từng đơn phương can thiệp bằng cách mua đồng yen và bán đồng USD ngay cả khi không nhận được sự đồng thuận của Mỹ.

Gần đây nhất, là từ tháng 4-6/1998, Nhật Bản đã bán ra số đồng USD tương đương 3.470 tỷ yen. Theo thống kê, trong lịch sử, Bộ Tài chính Nhật Bản đã thực hiện can thiệp ngoại hối 376 lần, trong đó 317 lần can thiệp để chống lại sự tăng giá đồng yen và 32 lần can thiệp để chống lại sự mất giá của đồng nội tệ, còn lại là phục vụ mục đích khác.

BOJ cho rằng chính sách hối đoái là thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính trong khi cơ quan này phụ trách việc điều chỉnh lãi suất. Tuy vậy, ngay trong các nhà điều hành của BOJ, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng đáng kể lãi suất sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Nhật Bản và loại trừ khả năng thay đổi chính sách để đối phó với tỷ giá hối đoái.

Nếu giải pháp can thiệp ngoại hối được lựa chọn, đây sẽ là lần đầu tiên sau 24 năm, Chính phủ Nhật Bản mua đồng yen và bán đồng USD.

Hiện các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân đang theo sát các diễn biến của BOJ và Bộ Tài chính Nhật Bản sau khi đồng yên liên tiếp ghi nhận mức thấp kỷ lục trong những ngày qua.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới