Trong báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới", IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà Tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4.
IMF cho biết GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga.
Về tăng trưởng của năm 2023, IMF cũng hạ dự báo GDP năm 2023 giảm từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Theo IMF, kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% trong năm 2022 và 1% năm 2023. Kể từ tháng 4, IMF đã 2 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do nhu cầu giảm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng 4, do dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc áp đặt phong tỏa, khiến hoạt động sản xuất và làm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới trở nên trầm trọng hơn.
Với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 2,8% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,6% do lạm phát gia tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, kinh tế Nga được IMF dự báo sẽ giảm khoảng 6% trong năm 2022 do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và kinh tế nước này giảm thêm 3,5% vào năm 2023.
Về lạm phát, IMF dự báo tỉ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây. Còn tỉ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiện được dự báo lên tới 9,5% năm 2022, tăng so với mức dự báo 8,7% IMF đưa ra hồi tháng 4.
IMF cũng cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành hiện thực, điều này có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nêu ra 3 lý do chính cho sự sụt giảm này. Thứ nhất, cuộc chiến Ukraine - Nga đang làm tăng giá năng lượng và hàng hóa trên thế giới, dẫn đến sản lượng ít hơn và lạm phát nhiều hơn. Lạm phát cao hơn ở hầu hết các quốc gia và dự kiến sẽ còn kéo dài. Thứ hai là sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc với việc đóng cửa thường xuyên hơn do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, áp lực giá cả gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới khiến các ngân hàng trung ương buộc phải thắt chặt kiểm soát chính sách tiền tệ.
"Cuộc xung đột tại Ukraine là diễn biến mới nhất trong chuỗi cú sốc nguồn cung đã làm nền kinh tế toàn cầu điêu đứng trong những năm gần đây. Giống như sóng địa chấn, ảnh hưởng của nó sẽ lan truyền sâu rộng thông qua thị trường hàng hóa, liên kết thương mại và tài chính", ông Pierre Olivier Gourinchas nhấn mạnh.