Người thu nhập thấp nhu cầu nhà ở cho là rất lớn, nhưng thực tế nguồn cung lại không nhiều, nếu có cũng không dễ để mua được.
Với hơn 270.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, nhưng chỉ có 15% trong số này có nhà ở trong các khu công nghiệp.
Từ Khánh Hòa vào TP.HCM làm việc, 10 năm nay, căn trọ 15 m2 là nơi trú ngụ của 4 người trong gia đình anh Cang.
Đến nay cả nước đã hoàn thành 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động. (Ảnh minh họa)
Dù rất muốn mua nhà để cuộc sống thoải mái hơn, nhưng với thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng, mỗi tháng giỏi lắm để dư ra được 1-2 triệu đồng. Do đó dù được hỗ trợ vay 900 triệu đồng, anh cũng không thể mua nhà.
Anh C, công nhân TP.HCM, chia sẻ: "Cháu đi học, tiền trọ, ăn uống trong gia đình nên mình không dư được bao nhiêu. Mình mua nhà cho người thu nhập thấp thì giá từ 1 - 2 tỷ, so với khoản thu nhập của mình nó không đủ".
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết: "Nhà nước hỗ trợ từ quỹ phát triển nhà hỗ trợ tối đa là 900 triệu, trả dần trong 20 năm. Trừ tiền thuê nhà và các chi phí khác thì không thể đủ tiền hàng tháng để trả tiền vay mua nhà",
Nếu người có thu nhập thấp không đủ tiền để mua nhà, thì các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cũng không mặn mà, bởi do quỹ đất hạn chế, chi phí đầu vào cao nên không thể đảm bảo nhà giá thấp. Đặc biệt, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp xây nhà cho người thu nhập thấp có nhưng rất khó tiếp cận
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cũng cho hay: "Trên lý thuyết là nhà nước sẽ hỗ trợ vốn được vay ưu đãi khi doanh nghiệp vay làm nhà mảng này. Tuy nhiên thực tế việc sắp xếp vốn của nhà nước cho mảng này kéo dài 6-7 năm nay gần như không thấy. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải vay với lãi suất 11-12%/năm. Lãi suất này rất là cao, không phù hợp cho việc làm nhà cho người thu nhập thấp".
Ông Trần Nhật Quang, Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần địa ốc Kim Oanh, thông tin: "Người mua nhà đủ điều kiện mua nhà thấp nhưng lại không đủ thu nhập để trả lãi ngân hàng. Khi chúng tôi phát triển nhà xong thì nguồn khách hàng lại không có, đó là cái khó khăn với các doanh nghiệp phát triển nhà ở thu nhập thấp".
Các chuyên gia cho rằng, để người lao động chạm tay đến giấc mơ nhà ở, TP.HCM cần phải rà soát quỹ đất phát triển nhà ở cho người lao động, cũng như có các chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và cả người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Về giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, nhận diện các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các giải pháp, trước hết tập trung sửa đổi ngay các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính…