Báo cáo du lịch hàng năm của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy các chuyến bay giải trí và công việc toàn cầu đã tăng trở lại, thậm chí vượt mức trước đại dịch vào năm 2019.
Nhu cầu bùng nổ sau khi bị dồn nén
David Mann, một chuyên gia tại Viện Kinh tế Mastercard cho biết: "Số liệu chỉ ra có một sự hồi phục lớn đang diễn ra. Đây là bằng chứng cho thấy nhu cầu đã bị dồn nén lớn như thế nào".
Báo cáo được đưa ra dựa trên phân tích tại 37 nền kinh tế trên toàn cầu. Theo đó, lượng đặt vé máy bay toàn cầu để đi du lịch giải trí đã tăng 25% so với mức trước đại dịch vào tháng 4. Trong đó số lượng chuyến bay chặng ngắn và trung bình chiếm số lượng lớn.
Các chuyến bay đường dài cũng không bị tụt lại quá xa. Đầu năm 2022, số chuyến bay dạng này chỉ ở mức -75% so với trước đại dịch. Thế nhưng chỉ sau chưa đầy ba tháng, chỉ số đã đạt mức thấp nhất trong năm 2019.
Xu hướng tương tự được ghi nhận với các chuyến bay công việc, vào cuối tháng 3, lượng đặt chỗ đã vượt mức năm 2019, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với các hãng hàng không.
Du lịch châu Á bị chậm lại
Viện Kinh tế Mastercard nhận định trái với quỹ đạo đi lên trên toàn cầu, các hãng du lịch hàng không châu Á lại trở lại khá chậm. Hành khách Châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu chỉ chọn di chuyển đến Singapore, Malaysia và Indonesia, trong khi nhiều địa điểm du lịch quốc tế hàng đầu khác vẫn vắng vẻ.
“Trong số những điểm đến hàng đầu được du khách Châu Á Thái Bình Dương ghé thăm trong quý I/2022, 50% là người ngoài khu vực, trong đó Mỹ là số một. Bất chấp sự phục hồi chậm trễ so với phương Tây, du khách sống ở Châu Á Thái Bình Dương vẫn cho thấy nhu cầu du lịch mạnh mẽ ở những địa điểm đã nới lỏng quy định kiểm dịch”, ông Mann cho biết.
Nhờ nỗ lực giảm bớt các quy định phòng dịch, Malaysia đã lọt top các quốc gia được du khách Châu Á - Thái Bình Dương ghé thăm nhiều nhất trong nửa đầu năm 2022. Ảnh: MIFC
Theo Viện Kinh tế Mastercard, nếu việc đặt vé máy bay tiếp tục duy trì ở tốc độ hiện tại, ước tính sẽ có thêm 1,5 tỷ hành khách toàn cầu bay trong năm nay so với năm 2021, với hơn một phần ba trong số đó đến từ châu Âu.
Liệu đà tăng có được duy trì?
Theo báo cáo, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không mạnh mẽ và xu hướng tuyển dụng toàn cầu đang gia tăng chỉ là một số lý do khiến ngành du lịch toàn cầu có “nhiều lý do để lạc quan hơn là bi quan”.
Người dân đã trả hết nợ với “tốc độ kỷ lục” trong hai năm qua, trong khi những người tiêu dùng giàu có hơn - những người “thích đi du lịch để giải trí hơn” thì được hưởng lợi từ các khoản tiết kiệm và giá tài sản tăng lên sau đại dịch.
Tuy nhiên, lạm phát gia tăng, bất ổn thị trường, các vấn đề địa chính trị ở châu Âu và châu Á,... vẫn có thể đe dọa làm trật bánh đà phục hồi du lịch vào năm 2022.
Viện Kinh tế Mastercard nhận định thu nhập dự kiến sẽ tăng theo lạm phát, nhưng tốc độ sẽ xảy ra nhanh hơn ở các nền kinh tế đang phát triển.
Viện Kinh tế Mastercard nhận định lạm phát tạm thời sẽ không ảnh hưởng đến đà phục hồi của ngành du lịch toàn cầu trong thời gian gần. Ảnh: shawnanggg
“Mặc dù chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng thu nhập sẽ vượt qua tốc độ tăng giá tiêu dùng ở Đức và Mỹ vào giữa năm 2023, nhưng điều này có thể sẽ không xảy ra cho đến năm 2024 và 2025 ở Mexico và Nam Phi,” báo cáo nêu rõ.
Giá vé máy bay cũng tăng, với giá vé trung bình tăng khoảng 18% từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Chi phí đi lại bằng máy bay thay đổi đáng kể theo khu vực, tại Singapore, giá vé tăng 27% từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2022.
Tuy nhiên, David Mann cho rằng đối với những người khao khát được đi du lịch trở lại, lạm phát sẽ không phải là mối bận tâm lớn:
"Lạm phát và chi phí gia tăng sẽ chỉ trở thành vấn đề sau khi chúng ta giải phóng được phần nào áp lực nhu cầu đã bị dồn nén từ trước. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ phản ứng với việc tăng giá du lịch, nhưng đó là một câu chuyện xa hơn, có thể diễn ra vào cuối năm nay và cả năm 2023, tuy nhiên đó chỉ là trong trường hợp lạm phát vẫn tiếp diễn"
Covid-19 vẫn là mối lo lớn nhất
Báo cáo chưa chỉ ra rõ liệu nhu cầu du lịch có thể duy trì được đà tăng trong suốt cả năm 2022 hay không, tuy nhiên các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mọi người thường có xu hướng thắt chặt hầu bao cho việc đi lại sau khi chi phí năng lượng và thực phẩm tăng lên.
Ngoài những yếu tố trên, Covid-19 vẫn là mối lo lớn nhất rình rập ngành du lịch.
“Trong số rất nhiều rủi ro có thể làm chệch hướng việc phục hồi du lịch ... chúng tôi sẽ đặt Covid là nhân tố lớn nhất. Ngay cả khi các phương pháp điều trị được cải thiện và nhiều quốc gia triển khai vaccine thành công, thì một biến thể nghiêm trọng hoặc dễ lây lan dẫn đến việc đóng cửa biên giới có thể khiến đà phục hồi dừng lại - như thực trạng diễn ra trong hai năm qua”, ông Mann nhận xét.