Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ trong một buổi tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” diễn ra mới đây, độc giả có gửi câu hỏi tới khách mời.
Bất động sản hiện nay nhiều nơi chững lại có nên giảm tỷ trọng đầu tư bất động sản để vào chứng khoán hay không? (Ảnh minh họa)
TS Đinh Thế Hiển trả lời câu hỏi Bất động sản hiện nay nhiều nơi chững lại có nên giảm tỷ trọng đầu tư bất động sản để vào chứng khoán hay không? cho hay: “Trong 20 năm “chinh chiến” trên thị trường, tôi đã gặp rất nhiều nhà đầu tư có vài trăm triệu cho đến “đại gia”, những lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng. Tôi thấy rằng, nhà đầu tư Việt Nam (các tiểu gia trở lên, tức những người có khoảng 10 tỷ) khác với nhà giàu của Mỹ (những người khoảng 1 triệu USD trở lên)”.
Các nhà đầu tư Việt Nam thường muốn tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận, có nghĩa họ thường bỏ hết tiền vào kênh mà họ thấy có lời nhiều nhất. Tuy nhiên, họ thường không có khái niệm về dòng tiền, tức là không duy trì nguồn thu nhập đều đặn, họ chỉ thấy cái gì lời nhất là vào. Đặc biệt, khi ai đã đầu tư vào bất động sản hầu như rất ít chơi ngành khác, trừ một số người đã biết chơi chứng khoán từ trước đó, ông Hiển phân tích.
“Những nhà đầu tư bất động sản cứ dồn từng miếng nhỏ thành một miếng lớn và tập trung tối đa hóa lợi nhuận. Giả sử có 30-40 tỷ đồng, đối với nước ngoài, họ sẽ mua 2-3 căn hộ để khai thác, từ đó mỗi tháng có tiền chi tiêu, rồi mua thêm vài mảnh đất, đầu tư chứng khoán, mua vàng, gửi tiền vào ngân hàng.
Đôi khi họ không trực tiếp đầu tư mà có thể thuê một bên tư vấn tài chính để quản lý danh mục. Tuy nhiên, lúc nào họ cũng có tiền mặt, có chứng khoán, có bất động sản khai thác,… Cách thức đó ổn định và sống ung dung.
Nhưng các tiểu gia và đại gia của Việt Nam thường dồn hết tiền vào một kênh bất động sản chẳng hạn, lợi nhuận có thể lên tới 30-40% vài tháng. Nhưng trong giai đoạn như thế này, nhiều người dễ bị “tăng xông”, sống trên đống tài sản nhưng không thấy vui”, chuyên gia nói.
Vì thế, TS. Đinh Thế Hiển đưa ra lời khuyên, với những người trước 30 tuổi không có gì để mất thì có thể lựa chọn kênh chứng khoán và xác định nếu mất tiền có thể làm lại, miễn sao đừng quá vay nợ. Nhưng qua 30 tuổi, tài sản có khoảng 1-2 tỷ thì nên phân bổ sang các kênh như chứng khoán, bất động sản, vàng và trong tài khoản luôn phải có ít nhất vài chục triệu đồng. Cách thức này tốt hơn rất nhiều nếu như chỉ “ôm” nguyên bất động sản.
Ông Hiển cho hay: “Nếu cách đây 2-3 năm, một số người biết cách đa dạng hóa danh mục đầu tư thì giờ sống khỏe chứ không lâm vào tình cảnh như bây giờ. Đầu năm 2022, rất nhiều người không tin thị trường bất động sản có thể tồi tệ như năm 2013 nhưng hiện nay, theo quan sát, tình trạng tài chính của những người này đã giống với năm 2013 tới 70%”.
Đồng thời, TS. Hiển nhận định về thị trường bất động sản hiện nay cho rằng, Nhà nước đang nới lỏng tín dụng, hỗ trợ bất động sản. Nhưng không phải đưa tiền ra cho doanh nghiệp bất động sản vay. Cần lưu ý lạm phát xảy ra khi tiền nhiều hơn hàng hóa, nhưng Việt Nam đang dùng dòng tiền để dịch chuyển nợ xấu chứ không phải đưa tiền vào bất động sản để tăng nguy cơ lạm phát. Vì thế không cần lo ngại yếu tố lạm phát.
Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cũng tại tọa đàm nhận định, bất động sản thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lãi suất tăng khiến thanh khoản sụt giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn đi kèm với lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong hai năm tới.
Có thể thấy mấy tháng qua, nhiều môi giới bất động sản “ngủ đông” đợi thời. Dù việc nới room tín dụng không dành hết cho bất động sản nhưng theo các môi giới, họ có niềm tin thị trường BĐS sẽ sáng sủa hơn vào dịp cuối năm, cũng là hội để những người bám trụ được với nghề có được thu nhập sau khoảng thời gian khó khăn. Có những môi giới đang lên kế hoạch “mạnh tay” đăng sản phẩm, chạy quảng cáo, marketing… để “lấy lại những gì đã mất” về thu nhập suốt mấy tháng qua.