"Khát" vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ đề xuất "nới" room tín dụng

17:59 17/08/2022

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đã chỉ ra những lo ngại lớn của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ khi không có tiền trả lương và không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới.

Nhiều khó khăn "bủa vây" doanh nghiệp

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã tổng hợp ý kiến, tình hình từ 16 tổ chức, hiệp hội trong nửa đầu tháng 8 về những khó khăn, thách thức liên quan đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Đứng đầu các khó khăn liên quan đến tài chính vẫn là thiếu vốn lưu động. “Do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu, nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu”, Ban IV giải trình trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai trong danh sách là chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm và tăng mạnh thời gian gần đây do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm tăng áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn hai năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng.

Nhóm khó khăn thứ ba là, số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm.

Các hiệp hội thông tin, sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường.

Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như Yen Nhật hay đồng tiền chung châu Âu (Euro) khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh;

Nhóm thứ tư là khó khăn trong tiếp cận vốn vay. Theo Ban IV, hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng này.

Đứng trước nguy cơ phá sản

Thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản, bởi không có tiền trả lương cho người lao động, theo đó doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực. Ngoài ra, doanh nghiệp không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau 2 năm Covid-19 vừa qua.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên.

khat-von-doanh-nghiep-vua-va-nho-de-xuat-noi-room-tin-dung

Các doanh nghiệp đang đứng trước tình cảnh thiếu hụt nguồn vốn xoay sở, đối mặt với nguy cơ phá sản. (Ảnh minh họa)

"Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát” – Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ.

Từ các thực trạng khó khăn đã được nhận diện ở trên, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân và các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cân nhắc để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi. Đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.

Ngoài ra, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông-lâm-thủy sản; bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Theo thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm nay có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (56.014 doanh nghiệp, chiếm 59,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm nay).

Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay là 56.014 doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm nay có thời gian hoạt động ngắn (0-5 năm) với 27.516 doanh nghiệp (chiếm 49,1%), tập trung chủ yếu ở quy mô vốn 0-10 tỷ đồng với 50.260 doanh nghiệp (chiếm 89,7%, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong 7 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 28.206 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể giảm ở 9/17 lĩnh vực và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn 0-10 tỷ đồng với 24.890 doanh nghiệp (chiếm 88,2%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021).

Siết tín dụng sẽ làm giảm lực phục hồi của doanh nghiệp

Theo GS.Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, tín dụng là kênh quan trọng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thời điểm này. Nếu hạn chế tín dụng giai đoạn này thì vô hình trung làm giảm lực phục hồi của doanh nghiệp, trong khi lúc này chiến lược của chúng ta là hỗ trợ họ hậu Covid-19.

"Chúng ta hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế chiến lược kích cầu thì sẽ gây khó cho nền kinh tế", ông Cường nói và cho rằng, không thể để tăng trưởng tín dụng một cách quá nóng và ồ ạt, vẫn phải kiểm soát có hiệu quả.

Thực tế, room tín dụng "nóng" lên nhiều thời gian gần đây khi nhiều ngân hàng dùng hết hạn mức, doanh nghiệp và người đi vay "nháo nhào" vì thiếu vốn. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, họ đã dùng gần hết room tín dụng 7% được cấp từ đầu năm, tức là bản thân có muốn cho vay cũng khó.

Theo tìm hiểu, sau khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, sau nửa năm Ngân hàng Nhà nước sẽ họp, xem xét và có điều chỉnh chỉ tiêu này theo tình hình kinh tế. Vừa qua, hầu hết các ngân hàng đều kiến nghị được nới room tín dụng để cung cấp vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái nào. Điều này khiến nhiều khách hàng phải "bùi ngùi" chờ đợi hoặc nhận được lời từ chối thẳng thừng. 

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới